Báo cáo kiểm toán

Báo cáo kiểm toán

Nằm trong bước cuối cùng của quá trình kiểm toán, việc lập báo cáo kiểm toán có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đưa ra kết luận về sự tuân thủ các chuẩn mực kế toán, kiểm toán của các doanh nghiệp. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin quan trọng và cần thiết cho những ai đang quan tâm đến một trong những nghiệp vụ của kiểm toán viên - nghiệp vụ báo cáo kiểm toán.

1. Báo cáo kiểm toán là gì?

Đây là báo cáo trong đó có trang ý kiến kiểm toán nhằm mục đích đưa ra ý kiến của Kiểm toán viên về mức độ trung thực, hợp lý của Báo cáo tài chính và những nội dung khác theo Hợp đồng kiểm toán dựa trên Chuẩn mực Kiểm toán, Kế toán và Chế độ kế toán Việt Nam hiện hành. Từ đó, người đọc có thể biết được tính trung thực, hợp lý các số liệu cũng như các vấn đề trên Báo cáo tài chính.

2. Nội dung của báo cáo kiểm toán gồm những gì?

Về cơ bản, Báo cáo kiểm toán phải thể hiện được các nội dung sau:

2.1. Số hiệu và tiêu đề của báo cáo

Số hiệu của Báo cáo kiểm toán phát hành phải được ghi cụ thể. Báo cáo kiểm toán phát hành trong cùng năm của đơn vị được kiểm toán thường được ghi liên tiếp nhau để tiện theo dõi.

Tiêu đề của báo cáo cần ghi "Báo cáo kiểm toán độc lập".

2.2. Người nhận Báo cáo kiểm toán

Ở mục này, người nhận Báo cáo kiểm toán thường là: Hội đồng quản trị, Ban (Tổng) Giám đốc, Giám đốc, Nhà đầu tư... tùy thuộc vào mục đích cũng như đơn vị được kiểm toán.

Ngay sau mục người nhận Báo cáo kiểm toán sẽ là phần mở đầu giới thiệu về Báo cáo đã được kiểm toán của đơn vị, ngày lập cũng như số trang của Báo cáo kiểm toán và Báo cáo Tài chính được kiểm toán là gì? Niên độ kiểm toán như thế nào?

2.3. Trách nhiệm của Đơn vị được kiểm toán với BCTC

Đây có thể coi là mục Cam kết của đơn vị được kiểm toán (hay thành viên chủ chốt) về việc lập và trình bày trung thực và hợp lý BCTC của Công ty theo các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán doanh nghiệp Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày BCTC và chịu trách nhiệm về BCTC không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn.

2.4. Trách nhiệm của Kiểm toán viên

Sau khi nên trách nhiệm của Đơn vị được kiểm toán, Nội dung Báo cáo đã được kiểm toán cần thể hiện được trách nhiệm của Kiểm toán viên khi đưa ra ý kiến kiểm toán dựa vào quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.

2.5. Ý kiến kiểm toán

Kiểm toán viên đưa ra ý kiến của mình về đơn vị được kiểm toán:

  • Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần được đưa ra khi BCTC của đơn vị được kiểm toán phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của đơn vị.
  • Ý kiến kiểm toán ngoại trừ được đưa ra khi đã thu thập được đầy đủ và thích hợp các bằng chứng kiểm toán để kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC; hoặc KTV không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng kiểm toán viên đánh giá rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC.
  • Ý kiến kiểm toán trái ngược được đưa ra khi dựa trên các bằng chứng kiểm toán đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với BCTC.
  • Từ chối đưa ra ý kiến được đưa ra khi có giới hạn quan trọng tới phạm vi kiểm toán hoặc là thiếu thông tin liên quan đến một số lượng lớn các khoản mục ở đó mà kiểm toán viên không thể thu thập các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp để có thể cho ý kiến về BCTC.

"Vấn đề cần nhấn mạnh": được nêu ra khi Kiểm toán viên thu hút sự chú ý của người sử dụng đối với một vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong BCTC, mà theo đánh giá của KTV, vấn đề đó là đặc biệt quan trọng để người sử dụng hiểu được BCTC thì KTV phải trình bày thêm đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” trong báo cáo kiểm toán.

"Vấn đề khác": được đưa ra khi KTV thấy cần phải trao đổi về một vấn đề khác ngoài các vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong BCTC, mà theo đánh giá của kiểm toán viên, vấn đề khác đó là thích hợp để người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán, về trách nhiệm của kiểm toán viên hoặc về báo cáo kiểm toán, đồng thời pháp luật và các quy định cũng không cấm việc này thì kiểm toán viên phải trình bày về vấn đề đó trong BCKT, với tiêu đề “Vấn đề khác” hoặc “Các vấn đề khác”.

Như vậy có thể thấy trong BCKT chỉ có thể tồn tại 1 trong 4 ý kiến kiểm toán ngoài ra có thể gồm "Vấn đề cần nhấn mạnh" hoặc "Vấn đề khác"

2.6 Ngày lập Báo cáo kiểm toán

Ngày lập Báo cáo kiểm toán không được trước ngày đơn vị được kiểm toán lập BCTC và và không được trước ngày thu thập bằng chứng kiểm toán.

2.7. Tên công ty kiểm toán và người ký Báo cáo kiểm toán

Báo cáo kiểm toán ghi rõ tên công ty Kiểm toán;

Người ký BCKT phải gồm 2 thành viên có chứng chỉ hành nghề kiểm toán trong đó có 1 thành viên Ban Giám đốc. Dưới mỗi chữ ký cần ghi rõ họ tên, Số đăng ký hành nghề kiểm toán của Kiểm toán viên đó.


Qua những chia sẻ trên giúp bạn hiểu được các thông tin cơ bản về báo cáo kiểm toán. Hy vọng các thông tin trong bài sẽ là các thông tin bổ ích và thiết thực với bạn. Các kiến thức của Kiểm toán sẽ được trang bị trong môn Assurance trong chương trình ICAEW CFAB, các bạn có thể HỌC THỬ MIỄN PHÍ ngay tại đây