Tính đầy đủ (Sufficiency) và Tính thích hợp (Appropriateness) của Bằng chứng Kiểm toán

Tính đầy đủ (Sufficiency) và Tính thích hợp (Appropriateness)  của Bằng chứng Kiểm toán

Bằng chứng kiểm toán là một phạm vi kiến thức vô cùng quan trọng không chỉ trong môn Assurance của chương trình ICAEW CFAB mà còn trong công việc của người kiểm toán viên. Việc thu thập bằng chứng sao cho đảm bảo được tính đầy đủ (sufficiency)tính hợp lý (appropriateness) là yêu cầu cơ bản mà mỗi người kiểm toán viên cần phải nắm được.

I. Tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán

1. Khái niệm

Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 500 "Bằng chứng kiểm toán":

Bằng chứng kiểm toán là tất cả các thông tin, các tài liệu mà kiểm toán viên thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên những thông tin này, kiểm toán viên hình thành nên ý kiến của mình.

Tính đầy đủ (Sufficiency) là khái niệm để chỉ số lượng cần thiết của bằng chứng kiểm toán cho việc đưa ra kết luận kiểm toán.

2. Yêu cầu đối với bằng chứng kiểm toán

Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 500: "Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến của mình về báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán".

Bằng chứng kiểm toán là mục đích của quá trình kiểm toán và là điều kiện tiên quyết để đưa ra ý kiến kiểm toán. Không có bằng chứng kiểm toán, kiểm toán viên không thể dựa vào lí trí để đưa ra một kết luận hợp lí.

3. Số lượng bằng chứng kiểm toán như thế nào mới đảm bảo được tính đầy đủ (sufficiency)?

Số lượng bằng chứng kiểm toán phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Tính trọng yếu của đối tượng kiểm toán cụ thể: Khoản mục kiểm toán trọng yếu thì số lượng bằng chứng thu thập càng nhiều và ngược lại.

- Mức độ rủi ro của đối tượng kiểm toán: Nếu đối tượng kiểm toán chứa đựng sai phạm nhiều thì số lượng bằng chứng thu thập càng nhiều và ngược lại.

- Tính thuyết phục của bằng chứng kiểm toán (độ tin cậy của bằng chứng): Bằng chứng thu thập có độ tin cậy cao thì số lượng bằng chứng thu thập được càng ít và ngược lại.

- Tính kinh tế: Khi thực hiện cuộc kiểm toán, kiểm toán viên cần cân nhắc giữa chi phí kiểm toán với lợi ích thu được. Vì vậy, kiểm toán viên khi thu thập bằng chứng kiểm toán cũng phải cân nhắc khoảng thời gian hợp lí với mức chi phí kiểm toán có thể chấp nhận được.

II. Tính thích hợp của bằng chứng kiểm toán

1. Khái niệm

Tính thích hợp (Appropriateness) là khái niệm chỉ chất lượng hay độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán.

2. Nội dung

Bằng chứng kiểm toán có thích hợp thì nó phải đảm bảo phù hợp (tính liên đới) và đáng tin cậy.

- Tính phù hợp của bằng chứng kiểm toán nghĩa là bằng chứng này phải phù hợp với mục tiêu kiểm toán của kiểm toán viên. Tính phù hợp của bằng chứng kiểm toán phải được xem xét gắn liền với một mục tiêu cụ thể.

Ví dụ: Kiểm toán viên nghi ngờ khả năng nghiệp vụ bán hàng bị ghi trùng lặp làm doanh thu tăng. Sau đó, Kiểm toán viên chọn một mẫu hóa đơn bán hàng và thực hiện đối chiếu theo trình tự kế toán tới Nhật kí bán hàng, hóa đơn vận chuyển, biên bản giao hàng hóa.

Trong trường hợp này, bằng chứng do kiểm toán viên thu thập được không phù hợp với mục tiêu kiểm toán. Do đó, bằng chứng kiểm toán không đảm bảo tính thích hợp với mục tiêu kiểm toán nêu trên.

- Tính đáng tin cậy của bằng chứng kiểm toán phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguồn của thông tin được thu thập, thời điểm thu thập bằng chứng kiểm toán, chất luợng của hệ thống kiểm soát nội bộ,...

 Bằng chứng thu thập được từ những nguồn bên ngoài công ty khách hàng thường đáng tin cậy hơn so với thu thập trong nội bộ.

Ví dụ: Kiểm toán viên thu thập kết quả phỏng vấn với luật sư của công ty khách hàng thì chất lượng kết quả phỏng vấn sẽ đáng tin cậy hơn so với bằng chứng phỏng vấn công ty khách hàng.

Thời điểm thu thập bằng chứng liên quan tới khi nào bằng chứng được thu thập hoặc kì liên quan tới cuộc kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán thường có độ tin cậy cao hơn khi kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán càng gần với ngày lập báo cáo tài chính.

Ví dụ: Bằng chứng kiểm toán từ quan sát kiểm kê hàng tồn kho vào ngày 30/12 sẽ có độ tin cậy cao hơn nếu quan sát kiểm kê hàng tồn kho vào ngày 30/10 năm đó.

Hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty khách hàng hoạt động có hiệu quả thì bằng chứng thu được từ nội bộ sẽ có độ tin cậy cao hơn so với trường hợp hệ thống kiểm soát nội bộ yếu.

Ví dụ: Nếu kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ bán hàng và phát hành hóa đơn là hiệu lực thì kiểm toán viên có thể thu thập được bằng chứng hiệu lực từ hóa đơn bán hàng, chứng từ vận chuyển...


Với những thông tin bổ ích trên đây, BISC mong rằng có thể giúp ích cho các bạn trong quá trình ôn luyện của mình trong môn học đầy thú vị này!